Những dịp vua ban tiền thưởng Tiền thưởng triều Nguyễn

Tiền thưởng Phi long được khoan 2 lỗ nhỏ ở trên và dưới của đông xu để đính kèm dải huyền bội thuỳ anh, hình thức này chỉ xuất hiện vào cuối triều Nguyễn, đặc biệt là dưới thời Pháp thuộc, chứ khi đúc xu hoàn toàn không có những lỗ nhỏ này. Việc khoan lỗ khiến cho đồng xu dễ để lại vết nứt.

Tết Nguyên đán

Thông thường, sau khi các thần tử làm lễ khánh hạ ngày mồng 1 Tết âm lịch, nhà vua sẽ bắt đầu ban yến tiệc và ban tiền thưởng xuân cho các quan lại và tông thất. Thời Gia Long việc thưởng tết không được nhắc đến nhiều có lẽ vì đất nước vừa được thống nhất, đang trong tình hình bình ổn sau chiến tranh, nên việc ban thưởng nhân dịp tết không được tổ chức nhiều, chỉ một lần được nhắc đến là vào năm 1808:

... ngày Tết Nguyên đán thưởng cho thân công cùng các vương tử 20 lạng bạc, các quan văn võ chánh thất phẩm 10 lạng bạc, tòng nhất phẩm 9 lạng bạc, chánh nhị phẩm 6 lạng, tòng nhị phẩm 5 lạng.
— Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ[12]

Từ thời Minh Mạng, để động viên, khích lệ trăm quan trong một năm đã ra sức giúp vua công việc triều chính, triều đình tổ chức việc ban thưởng ngày tết điều độ hơn; trước đó, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho phủ Tôn Nhân, bộ Lại, bộ Lễ và bộ Binh lập danh sách những người xứng đáng được thưởng. Năm Đinh Dậu (1837), để tỏ ý ơn vua rộng rãi ân trạch, vua Minh Mạng đã xuống dụ cho bách quan triều đình:

Lục phẩm ban văn, Ngũ phẩm ban võ, tuy quan thấp, chức nhỏ, nhưng cũng là làm việc cần cù suốt năm. Nên gia ơn cho bắt đầu từ tháng giêng sang năm, các viên văn chánh Lục phẩm, võ chánh Ngũ phẩm lấy ngày mồng 2 ban cho yến hạng có thứ bậc.
— Minh Mệnh chính yếu[13]

Ngoài việc dự yến, các quan lại còn được thưởng thêm tiền, tùy theo chức trách của từng người mà tiền thưởng cũng có phần khác nhau. Cụ thể là các vương tử, chư công (công tước), mỗi người được thưởng 1 đồng tiền vàng Minh Mạng khắc rồng bay, ngân tiền lớn nhỏ đều 10 đồng. Quan lại ở Kinh đô, chánh Nhất phẩm, ban tiền thưởng Phi long bằng bạc lớn nhỏ 10 đồng, tòng Nhất phẩm 9 đồng, chánh Nhị phẩm 8 đồng; tòng Nhị phẩm 6 đồng; chánh Tam phẩm 5 đồng, chánh Tứ phẩm 3 đồng, tòng Tứ phẩm 2 đồng. Các viên hành tẩu ở phủ Nội vụ tòng Ngũ phẩm trở xuống đều 1 đồng.

Tuy nhiên, các vị vua Nguyễn sau này như Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thánh Thái, Duy Tân... việc ban tiền thưởng nhân dịp Tết được tổ chức đơn giản hơn. Thường thì vào ngày tết, các vị vua thường ban đặc ân cho quần thần và dân chúng, tỏ ý ban ơn rộng khắp, việc đãi yến linh đình đều bãi bỏ. Những người không được dự ban như lính hương binh, lính đồn điền cùng những người cố sức làm việc để chuộc tội thì thưởng cho tiền gạo lương một tháng, hay là một quan tiền.

Ban tặng cho người có công trạng đặc biệt

Sắc chỉ của triều đình Huế ban tặng tiền thưởng cho một người Pháp, nội dung như sau: Ngày 23 tháng 06 năm Duy Tân thứ 4 (1910), Phụ chính đại thần nước Đại Nam vân mệnh hoàng đế bản quốc ban sắc cho quý Đội trưởng Xích Nặc người Pháp: Nay nhân quý quan từng nhiều lần cùng lo chính sự, công lao rõ ràng, cho nên ban thưởng cho một đồng tiền Phi long hạng lớn bằng bạc cùng dải huyền bội thuỳ anh để biểu thị tốt đẹp. Khâm thử!; Chiếu chỉ bằng chữ Hán có đính kèm thư xác nhận của Khâm sứ Trung Kỳ

Tiền thưởng không chỉ được các vua dùng ban tặng cho triều thần, vương công quý tộc nhân các dịp khánh tiết, lễ tết quan trọng, tiền thưởng còn được ban cho những người có công trạng với đất nước ở bất kỳ lĩnh vực nào, từ dân sự cho đến quân sự và cũng không phân biệt đối tượng được trao, họ cũng có thể là thường dân, binh lính...

Điển hình như gia tộc họ Lê Văn ở Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh vẫn còn lưu giữ được 5 đồng bạc Phi long được đúc dưới thời Minh Mạng, những đồng tiền thưởng này được triều Nguyễn ban tặng cho ông Lê Văn Hoa vì đã có công cứu tế nhân dân những năm mất mùa, đói kém. Căn cứ vào gia phả họ Lê Văn (bản Hán Nôm):[14] ông Lê Văn Hoa là một người thông minh, học giỏi nhưng không tham gia thi cử mà chỉ tập trung vào làm ăn kinh tế và khai khẩn mở mang điền trang. Được thừa kế tài sản của gia đình, lại là người giỏi sản xuất, kinh doanh nên đã trở nên giàu có. Ông Hoa còn là người có tấm lòng bác ái, thương yêu người nghèo khó nên trong những năm mất mùa, dịch bệnh hay ngày giáp hạt, dân tình đói kém, ông mở kho lương của gia đình để chẩn bần, vì thế mà tiếng thơm của ông và gia tộc Lê Văn lan truyền khắp nơi. Với những đóng góp đó, năm Tự Đức thứ 14 (1861), ông Lê Văn Hoa được triều đình ban thưởng bức đại tự "Lạc quyên nghĩa môn" và 5 đồng tiền thưởng Phi long bằng bạc được đúc dưới thời vua Minh Mạng.[15][16]

Càng về sau tiền thưởng càng trở nên quan trọng, đặc biệt là dưới thời Pháp thuộc, tiền thưởng đã trở thành một dạng kỷ niệm chương hoặc huân chương, chúng được đục 2 lỗ nhỏ ở trên và dưới đồng xu để đeo dải thùy anh, hay dải ruy băng bằng lụa màu để đeo ngực như biểu dương công trạng. Những người được ban tặng tiền thưởng cũng được kèm theo 1 tờ lục chỉ đề rõ công trạng và ngày cấp. Nhiều quan chức thuộc địa người Pháp đã được các vua triều Nguyễn ban tặng tiền thưởng để ghi công trạng, điển hình như năm 1910, niên hiệu Duy Tân thứ 4, thay mặt nhà vua, Phụ chính đại thần nước Đại Nam đã ban cho Đội trưởng Xích Nặc người Pháp 1 đồng tiền thưởng Phi long hạng lớn bằng bạc cùng dải huyền bội thuỳ anh, để tưởng thưởng cho công trạng của ông này.